Thư viện không những là môi trường học tập rất lý tưởng mà nó còn là Trung tâm văn hoá. Để phát huy hiệu quả sử dụng thư viện một cách tốt nhất, tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên thư viện và sinh viên cần phải xây dựng cho mình một tác phong văn hoá giao tiếp phù hợp và chuẩn mực.

Văn hoá giao tiếp và ứng xử là một phạm trù rất rộng gồm cử chỉ, lời nói, hành vi thể hiện và cả trang phục phù hợp. Đặc biệt là môi trường Thư viện, nơi diễn ra sự tiếp xúc thường xuyên giữa các thủ thư và độc giả nói chung thì điều đó càng thể hiện rõ nét.

Đối với cán bộ và nhân viên thư viện, ngoài những kiến thức và hiểu biết chuyên môn thì trang phục và tinh thần thái độ phục vụ góp phần thể hiện tính chuyên nghiệp và tăng cao hiệu quả trong công việc. Một cán bộ khi đối diện với sinh viên trong trang phục đứng đắn, gọn gàng, màu sắc trang nhã cùng với những cử chỉ nhẹ nhàng, hoà nhã sẽ được sinh viên chú ý hơn và tôn trọng hơn. Nếu bạn là thủ thư, bạn hãy luôn nở nụ cười khi tiếp chuyện với độc giả. Điều quan trọng hơn nữa là hãy kiên nhẫn với sinh viên vì không phải sinh viên nào cũng tuân thủ nội quy Thư viện ngay từ khi mới vào.

Độc giả đến thư viện, đối tượng giao tiếp là nhân viên thư viện và tài liệu. Thông qua giao tiếp với nhân viên thư viện, độc giả sẽ tiếp cận được những tài liệu mình cần. Nếu có gì còn vướng mắc hoặc chưa nắm rõ, sinh viên hoàn toàn có thể yêu cầu và có được sự trợ giúp từ phía nhân viên thư viện. Khi đó, các bạn sinh viên đừng ngại mở lời với các cô thủ thư, chẳng hạn:”Cô ơi (chị ơi), cháu (em) có thể mua phiếu mượn sách này ở đâu?” hay “Cô ơi, cho cháu có thể mượn những cuốn sách này trong bao lâu?”. Với những câu hỏi như vậy, chắc chắn bạn sẽ được hướng dẫn tận tình của cán bộ thư viện. Có đôi khi tôi bắt gặp một số bạn muốn xin tích kê để vào Phòng đọc mở nhưng chỉ đưa thẻ thư viện cho cán bộ quản thư mà không nói gì cả. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người thủ thư. Khi ấy, thay vì đứng yên, bạn hãy nói “Cô ơi, cho cháu xin tích kê ạ” thì sẽ hay hơn nhiều. Các bạn sinh viên đừng tiết kiệm lời nói nhé!

Cách xưng hô phù hợp cũng tạo nên sự thân thiện giữa thủ thư và các bạn sinh viên. Từ việc quan sát tuổi tác của nhân viên thư viện, các bạn sinh viên có thể có cách xưng hô phù hợp, đại loại như: “ Em ( hoặc cháu) có thể mượn cuốn sách này về nhà được không..?” hay “ Chị có thể bật điều hoà không khí lên một chút được không ?”. Các bạn không nên tự tiện di chuyển bàn, ghế hoặc sử dụng thiết bị khi không được phép của nhân viên quản lý. Trước khi sử dụng một dịch vụ nào đó của thư viện, hãy quan sát và xem có sự nhắc nhở hoặc cảnh báo mang tính nội quy nào đó xung quanh mình hay không. Cần tuân thủ nghiêm túc các biển cảnh báo như: “ không hút thuốc lá”, “không vứt rác bừa bãi”… Sách báo sau khi sử dụng, cần đặt đúng nơi quy định. Đặc biệt, các bạn sinh viên nên tránh hình ảnh không đẹp như: nằm lên bàn, ghế hoặc ngồi vắt chân lên bàn…

Việc mặc trang phục khi đến sử dụng thư viện cũng cần lưu ý, nam sinh viên không nên mặc quần cộc hoặc áo may ô ba lỗ và nữ sinh viên không nên có trang phục như bộ đồ ngủ, áo hai dây hoặc váy quá ngắn…

Phần lớn phòng đọc tại thư viện là các phòng tự học, vì vậy yếu tố yên tĩnh cần được triệt để tôn trọng. Khi đến và rời khỏi các phòng đọc, sinh viên cần giữ gìn trật tự yên lặng. Trong khi học nhóm, nếu cần trao đổi cần giữ âm lượng đủ nghe tránh ảnh hưởng đến người khác.

Các nội quy, quy định tại thư viện nhằm mục đích duy nhất là giữ gìn bảo quản thiết bị, tài liệu phục vụ tốt nhất cho chính các sinh viên. Do đó việc tự giác chấp hành các quy định đó cũng như rèn luyện tác phong, giao tiếp ứng xử đúng mức và phù hợp sẽ góp phần xây dựng thư viện thành một môi trường học tập và giải trí thực sự lành mạnh và bổ ích.