Barack Obama đã từng nói: “Đọc sách rất quan trọng. Nếu biết cách đọc cả thế giới sẽ mở ra với bạn.” Đọc sách hàng ngày là một thói quen hữu ích và nên duy trì đều đặn. Để giúp các bạn đọc sách có hiệu quả, hiểu sâu và ghi nhớ lâu dài dưới đây là một số phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng đọc hiểu và tiếp thu nội dung và hiểu rõ về những gì mình đang đọc.
1. Phương pháp SQ3R: 5 bước đưa bạn đến việc đọc hiểu toàn bộ tài liệu.
- Khảo sát: Đọc qua các phần quan trọng của sách như mục lục, tiêu đề chương… giúp bạn hình dung tổng quát về nội dung và cấu trúc của cuốn sách.
- Đặt câu hỏi: Tạo ra các câu hỏi dựa trên các tiêu đề và mục lục đã bạn đọc, điều này giúp bạn có mục tiêu rõ ràng khi đọc.
- Đọc từng phần và tập trung vào việc tìm câu trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra. Kỹ thuật này giúp bạn đọc có chủ đích và nhớ lâu hơn.
- Tóm tắt: Sau khi đọc xong một đoạn, hãy cố gắng tóm tắt lại những ý chính bằng cách viết ra hoặc nói thành tiếng.
- Ôn tập: Sau khi đọc xong hãy ghi chú hoặc tóm tắt để củng cố trí nhớ.
2. Phương pháp đọc chủ động
Phương pháp này được sử dụng khi bạn đọc những tài liệu phức tạp và đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều. Để đọc chủ động bạn nên đặt mục tiêu đọc rõ ràng trước khi bắt đầu (ví dụ, nắm ý chính, tìm hiểu quan điểm của tác giả, hay học các kỹ năng cụ thể). Sau đó tạo ghi chú hoặc đánh dấu những phần quan trọng bằng cách gạch chân, highlight, hoặc sử dụng sticky notes. Tự liên hệ với những gì bạn đã biết hoặc những kinh nghiệm cá nhân để tăng cường khả năng ghi nhớ.
3. Phương pháp sơ đồ tư duy
Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa các ý tưởng chính của cuốn sách. Đây là một cách rất hiệu quả để hình dung cấu trúc và liên kết giữa các ý tưởng. Mỗi chương hoặc chủ đề lớn có thể là một nhánh trong sơ đồ, với các nhánh con là những ý tưởng nhỏ hơn. Kỹ thuật này giúp bạn ghi nhớ một cách logic và trực quan.
4. Phương pháp ghi nhớ với Flashcard
Để hiểu một khái niệm, bạn hãy thử giải thích nó một cách đơn giản. Việc này giúp bạn xác định những phần mà mình chưa hiểu rõ và cần tìm hiểu thêm. Nếu gặp khó khăn trong việc giải thích, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần đọc lại phần đó để hiểu sâu hơn. Ngoài ra. nếu bạn đang học một nội dung phức tạp như thuật ngữ, định nghĩa, hoặc khái niệm mới, hãy dùng flashcard để ghi nhớ. Việc ôn lại flashcard thường xuyên sẽ giúp bạn giữ thông tin trong trí nhớ lâu hơn.
5. Đọc theo tốc độ phù hợp và ôn lại thường xuyên
Không phải tất cả các phần đều cần đọc chi tiết với những đoạn giới thiệu hoặc ví dụ minh họa, có thể đọc lướt qua. Còn những phần chính hoặc phức tạp thì cần đọc chậm và kỹ lưỡng hơn. Kỹ thuật ôn lại giãn cách giúp bạn củng cố kiến thức bằng cách ôn lại nội dung theo khoảng cách ngày càng tăng. Đây là phương pháp rất hiệu quả để tránh hiện tượng quên sau khi đọc xong.
Áp dụng những gì bạn đọc vào cuộc sống hoặc công việc của mình sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn và nhớ lâu hơn. Hãy thử suy nghĩ về cách áp dụng một ý tưởng hoặc một bài học nào đó vào tình huống cụ thể của bạn. Những phương pháp này không chỉ giúp bạn
hiểu rõ hơn mà còn giúp tăng khả năng ghi nhớ và ứng dụng kiến thức vào thực tế.
Nguyễn Mai Chi tổng hợp